Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì?

Lễ dạm ngõ ở miền Bắc (Lễ đi nói ở miền Trung hoặc lễ bỏ rượu ở miền Nam) là buổi gặp mặt để nhà trai đặt vấn đề hôn nhân cho cặp đôi, đồng thời tìm hiểu về gia phong của đôi bên. Lễ dạm ngõ được tổ chức trước lễ ăn hỏi và cách lễ cưới từ 2-3 tháng, tuy không phải là một lễ trọng nhưng là nghi lễ khởi đầu của hôn nhân nên rất cần sự đầu tư kỹ càng. 

Vậy lễ dạm ngõ khác gì lễ ăn hỏi? Lễ dạm ngõ cần chuẩn bị những gì và diễn ra như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

1. Lễ dạm ngõ khác gì lễ ăn hỏi?

Khác với lễ dạm ngõ – buổi gặp mặt đầu tiên của hai gia đình, lễ ăn hỏi (lễ đính hôn) là ngày nhà trai mang sính lễ sang hỏi cưới nhà gái. Từ ngày này, cặp đôi sẽ chính thức trở thành vợ chồng sắp cưới.

Lễ dạm ngõ và lễ ăn hỏi đều được tiến hành tại gia đình nhà gái với sự có mặt của hai bên gia đình. Tuy nhiên lễ dạm ngõ và lễ ăn hỏi sẽ khác biệt tương đối về thời gian tổ chức, lễ vật, thành phần tham gia, trang phục và nghi lễ.

Lễ dạm ngõ diễn ra trước lễ ăn hỏi khoảng 2 tháng

Lễ dạm ngõ thường diễn ra trước đám cưới khoảng 2 – 3 tháng. Trong khi đó lễ ăn hỏi thường diễn ra trước đám cưới khoảng 1 tháng hoặc gộp vào làm một cùng đám cưới nếu khoảng cách giữa hai gia đình quá xa.

Lễ vật của lễ dạm ngõ đơn giản và ít hơn lễ ăn hỏi

Trong lễ dạm ngõ, nhà trai chỉ cần chuẩn bị một khay tráp lễ gồm trầu cau, chè, rượu thuốc, hoa quả hoặc tối giản thì chỉ có trầu cau. Còn lễ vật ăn hỏi cầu kỳ và đa dạng hơn được chia thành nhiều tráp.

Ví dụ, ở miền Bắc sẽ cần sính lễ từ 5 – 11 tráp còn ở miền Nam là 4 – 8 tráp gồm: trầu cau, rượu và thuốc lá, bánh phu thê, trang sức, xôi gà và lợn quay. Ngoài ra, nhà trai cần chuẩn bị  thêm lễ đen (tiền dẫn cưới) ngoài những lễ vật trên.

Lễ dạm ngõ ít người tham gia hơn lễ ăn hỏi

Trong lễ dạm ngõ, vì không phải là một lễ trọng nên sẽ chỉ có hai bên gia đình cô dâu và chú rể, mỗi bên sẽ có khoảng từ 5 – 7 người đại diện tham gia. Đối với lễ ăn hỏi, thành phần tham gia nhiều hơn bao gồm người nhà thân thiết cùng anh em, bạn bè gần xa của cô dâu, chú rể khoảng từ 60 – 100 người.

Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì?
Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì?

Trang phục của lễ dạm ngõ đơn giản hơn lễ ăn hỏi

Cô dâu, chú rể và những người tham gia lễ dạm ngõ không bắt buộc về trang phục truyền thống, chỉ cần ăn mặc trang nhã, gọn gàng và lịch sự để buổi lễ thêm trang trọng. Tuy nhiên cô dâu và chú rể nên có sự đồng nhất về trang phục, cùng mặc áo dài hoặc cùng mặc đồ công sở trông sẽ ăn ý hơn.

Trang phục lễ ăn hỏi cần khuôn mẫu nhiều hơn. Nếu yêu thích phong cách cổ truyền, cô dâu và chú rể sẽ cùng mặc áo dài truyền thống hoặc hiện đại hơn là áo dài cách tân. Còn nếu yêu thích sự trang nhã, lịch sự cô dâu nên mặc váy công sở và chú rể nên mặc vest hoặc sơ mi trắng quần âu.

Trang phục bố mẹ, người thân của cô dâu và chú rể trong lễ ăn hỏi cũng chỉn chu hơn: mẹ nên mặc áo dài truyền thống, bố nên mặc vest và người thân nên mặc quần áo hoặc váy công sở, lịch sự.

Trang phục đội bê tráp trong lễ ăn hỏi sẽ đồng bộ với cô dâu chú rể, đội tráp nữ và tráp nam mặc áo dài cổ truyền cho lễ ăn hỏi truyền thống và áo dài cách tân cho lễ ăn hỏi hiện đại hơn.

Nghi lễ của lễ dạm ngõ đơn giản và thoải mái hơn lễ ăn hỏi

Nghi lễ của lễ dạm ngõ gồm 4 bước cơ bản: nhà trai đến nhà gái và trao lễ vật, cô dâu chú rể thắp hương ở bàn thờ gia tiên, hai bên gia đình trò chuyện và nhà gái mời nhà trai dùng bữa cơm thân mật.

Nghi lễ của lễ ăn hỏi gồm 5 bước: nhà trai đến nhà gái hỏi cưới, đội tráp trao lễ vật và trao đổi lì xì trao duyên, nhà gái nhận lễ và mở tráp lễ, cô dâu chú rể thắp hương tổ tiên và được giới thiệu tới toàn thể khách quý, cuối cùng nhà gái trả lại một phần lễ và mời nhà trai dùng bữa cơm thân mật.

2. Lễ dạm ngõ cần chuẩn bị những gì?

Thành phần tham gia lễ dạm ngõ

Thành phần tham gia lễ dạm ngõ nhà trai bao gồm bố, mẹ, chú rể cùng ông bà, cô bác ruột thịt trong gia đình, có thể có thêm bà mối với số lượng từ 5 – 7 người là tốt nhất. Nhà trai cần cử một trưởng đoàn làm đại diện giới thiệu và thưa chuyện trong buổi lễ.

Thành phần tham gia lễ dạm ngõ nhà gái tương tự như nhà trai (gồm bố, mẹ, cô dâu và người thân với một trưởng đoàn đại diện). Số lượng người tham gia nhà gái thường đông hơn nhà trai khoảng từ 7 – 9 người để tiếp đón nhà trai được tận tình và chu đáo hơn.

Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì?
Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì?

Cô dâu, chú rể mặc gì trong lễ dạm ngõ?

Trang phục lễ dạm ngõ không cần quá cầu kỳ và kỹ tính, chỉ cần bộ trang phục toát lên đủ lịch sự, nhẹ nhàng và thiện cảm tốt là được ví dụ nam mặc sơ mi quần âu, nữ mặc đồ công sở.

Cô dâu chú rể cần có sự thống nhất trong phong cách mặc tại buổi lễ và nên chọn đồ đôi để tăng thêm điểm nhấn cho buổi lễ. Ví dụ, khi cô dâu mặc áo dài truyền thống chú rể nên mặc áo dài truyền thống đồng bộ, còn khi cô dâu mặc đồ công sở thì chú rể nên mặc vest hoặc sơ mi trắng quần âu.

Cô dâu mặc gì trong lễ dạm ngõ?

Nếu cô dâu ưa thích đám cưới cổ truyền thì áo dài truyền thống với màu trắng, đỏ, hồng sẽ là lựa chọn thích hợp. Nếu cô dâu ưa thích sự hiện đại, trẻ trung hơn thì nên chọn áo dài cách tân. Nếu cô dâu ưa thích sự tối giản, trang trọng thì một bộ váy công sở sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Chú rể mặc gì trong lễ dạm ngõ?

Chú rể nên lựa chọn áo dài nam truyền thống (xanh biển) khi cô dâu mặc áo dài truyền thống. Chú rể có thể lựa chọn áo dài cách tân (trắng, xanh, nâu) khi cô dâu lựa chọn áo dài cách tân hoặc một bộ vest tối giản với màu be, xám hoặc đen lịch lãm khi cô dâu mặc đồ công sở cho phong cách hiện đại.

Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì?
Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì?

Người thân mặc gì trong lễ dạm ngõ?

Trang phục của người thân không phải là trang phục truyền thống. Họ có thể mặc theo sở thích, chỉ cần đảm bảo gọn gàng, lịch sự là được. Khách nữ có thể mặc áo dài, đồ công sở, còn khách nam có thể mặc vest hoặc sơ mi quần âu.

Nhà trai cần chuẩn bị những gì cho lễ dạm ngõ?

Nhà trai cần chuẩn bị sính lễ – mâm quả để trao tặng nhà gái vào đầu buổi lễ, bao gồm những lễ vật cơ bản như một tráp trầu cau, chè, rượu thuốc, một ít bánh kẹo và hoa quả đến nhà gái. Tuy nhiên, mỗi miền Bắc, Trung, Nam có thể có thay đổi nhất định cho phù hợp phong tục mỗi miền:

Lễ vật dạm ngõ miền Bắc gồm cặp trà, cặp rượu, một ít bánh kẹo, hoa quả và không thể thiếu trầu cau. Các món lễ vật sẽ được chuẩn bị theo số chẵn để thể hiện việc có đôi có cặp, hoà hợp nhau.

Lễ vật dạm ngõ miền Trung có khay trầu cau, một chai rượu gói giấy đỏ, món sản vật địa phương như bánh Hồng (món bánh truyền thống trong lễ cưới hỏi của người Bình Định, Phú Yên).

Lễ vật dạm ngõ miền Nam thường có cặp rượu, cặp trà gói giấy đỏ, một đĩa trầu cau têm cánh phượng và một mâm ngũ quả.

Bên cạnh lễ vật, nhà trai cũng cần thông báo trước số người chính xác cho nhà gái từ 4 – 5 ngày trước lễ dạm ngõ để nhà gái kịp chuẩn bị. Đồng thời, nhà trai nên chuẩn bị phương tiện, kiểm tra đường xá trước ngày lễ để đảm bảo có mặt ở nhà gái đúng giờ.

Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì?
Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì?

Nhà gái cần chuẩn bị những gì cho lễ dạm ngõ?

Dọn dẹp, trang trí nhà cửa

Nhà gái cần quét dọn, lau chùi nền nhà, mạng nhện, bàn ghế và sắp xếp lại cho gọn gàng tránh đổ vỡ (điềm xấu theo quan niệm của nhiều người). Nhà gái có thể sửa sang như xây, sơn lại và mua đồ mới khi quá cũ kĩ, xập xệ.

Điều quan trọng nhất là dọn dẹp bàn thờ tổ tiên bằng cách quét bụi, tàn hương và lau sạch nhưng tránh dịch bát hương hoặc gãy hương, cắm hoa và bày mâm ngũ quả để mời ông bà tổ tiên về tham gia cùng trong lễ dạm ngõ.

Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì?
Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì?

Sắp xếp bàn tiệc gặp gỡ đôi bên

Nhà gái cần chuẩn bị sẵn khu vực phòng khách với bàn tiệc lớn, đủ cho hai nhà về chỗ ngồi và dọn dẹp, trang trí cho gọn gàng, lịch sự. Đồng thời cần chuẩn bị sẵn chè nước, hoa quả, bánh kẹo để tiếp khách tạo bầu không khí trang trọng nhưng cũng thoải mái cho buổi lễ.

Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì?
Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì?

Chuẩn bị chỗ để xe cho nhà trai

Nhà gái nên sắp xếp trước bãi để xe trong sân nhà hoặc nhờ hàng xóm cho nhà trai trong ngày lễ để buổi lễ được tiến hành một cách trơn tru, tránh những vấn đề xảy ra gây ra sự mất lòng hay khó chịu, không thoải mái giữa hai bên gia đình.

Chuẩn bị bữa cơm tươm tất mời nhà trai

Bên cạnh đó, nhà gái cũng cần chuẩn bị một bữa cỗ tiếp đãi nhà trai sau buổi lễ, đồ ăn không nhất thiết phải “mâm cao cỗ đầy” nhưng cũng cần tươm tất cỗ 5 món hoặc 7 món thể hiện sự hiếu khách và tài nữ công gia chánh của nhà gái.

Trình tự diễn ra lễ dạm ngõ

Nhà trai mang lễ vật tới nhà gái

Theo ngày giờ đã xem xét và chấp thuận bởi đôi bên gia đình, nhà trai sẽ bắt đầu di chuyển đến nhà gái và thực hiện nghi thức của lễ dạm ngõ để hai bên gia đình có thể trò chuyện, tìm hiểu và quyết định tổ chức Lễ thành hôn, se duyên cho cặp đôi vào ngày lành tháng tốt.

Nhà trai ngỏ ý với nhà gái

Sau khi hai gia đình đã gặp mặt, trò chuyện thì đại diện nhà trai sẽ giới thiệu và thưa chuyện với nhà gái về lý do buổi gặp mặt, trao lễ vật cho nhà gái cũng như ngỏ ý với nhà gái về việc tác thành cho đôi nam nữ.

Sau khi đại diện nhà trai dừng lời, đại diện nhà gái sẽ thay mặt nhà gái cảm ơn và thay mặt nhận lễ vật từ nhà trai. Sau đó sẽ trình mong muốn và ý kiến của nhà gái đối với nhà trai.

Cô dâu, chú rể thắp hương gia tiên

Sau khi hai bên gia đình đã đồng ý cho đôi bạn trẻ tìm hiểu nhau, bố mẹ cô dâu sẽ đưa chú rể và cô dâu đến thắp hương bàn thờ gia tiên để báo cáo về thành viên mới của gia đình.

Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì?
Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì?

Đôi bên bàn bạc về các nghi lễ tiếp theo và cùng dùng bữa cơm thân mật

Tiếp đó, cả hai gia đình sẽ cùng nhau bàn bạc về ngày tổ chức lễ ăn hỏi, lễ cưới và các lễ vật đi kèm trong các buổi lễ tiếp theo. Kết thúc buổi lễ, nhà gái sẽ mời nhà trai ở lại dùng bữa cơm thân mật tạo thêm sự gắn bó, hiểu biết giữa hai bên gia đình.

Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì?
Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì?

Lưu ý trong ngày lễ dạm ngõ

Trường hợp bố mẹ cô dâu chú rể qua đời

Khi bố mẹ cô dâu hoặc chú rể qua đời, có thể nhờ người lớn trong dòng họ như ông, bác hoặc chú làm đại diện. Còn trong trường hợp bố mẹ cô dâu chú rể ốm nặng gần ngày dạm ngõ, cô dâu chú rể nên cân nhắc cưới chạy tang – tổ chức lễ cưới trước thời điểm để tang.

Trường hợp người tham dự có tang

Không nên nhờ những người có tang dưới 1 năm làm đại diện tham dự buổi lễ dạm ngõ. Tuy nhiên, sau khi người đó bỏ tang (dưới 3 năm đối với bố mẹ và 1 năm đối với ông bà) thì việc tham gia lễ dạm ngõ sẽ được thực hiện như thường.

Mặc dù không đặt nặng vấn đề lễ nghi và truyền thống cho lễ dạm ngõ nhưng đôi bên gia đình cũng cần tìm hiểu và có những kế hoạch chuẩn bị tươm tất, cụ thể cho ngày lễ từ những việc nhỏ đến việc lớn quan trọng như ngày giờ, trang phục, thành phần buổi lễ, lễ vật và nghi lễ dạm ngõ. Hãy đảm bảo chuẩn bị kỹ càng mọi thứ để “đầu xuôi đuôi lọt” tạo sự khởi đầu may mắn cho những nghi lễ hôn nhân quan trọng tiếp theo nhé!